Thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử còn được gọi là thẻ căn cước điện tử (viết tắt là e-ID). Đây là mẫu thẻ căn cước mới được Bộ công an quy định được sử dụng với rất nhiều các mục đích khác nhau và đem đến nhiều tiện ích cho người dân.
Theo Bộ Công an, khi sử dung CCCD, thông tin cá nhân được bảo mật cao, khó làm giả, bảo đảm độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch. Không bị lộ thông tin khi bị mất thẻ. Chíp trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân và không có điện. Việc xác thực danh tính có thể thực hiện “offline” mà không cần kết nối Internet tạo thuận lợi rất nhiều khi thực hiện các giao dịch, kiểm tra hay giám sát thông tin bằng các thiết bị khác.
Khi sử dụng CCCD cơ gắn chíp điện tử, số CMND cũ được lưu trong chíp cũng như trên mã QR in trên bề mặt thẻ, do đó, người dân sử dụng thẻ CCCD gắn chíp không cần phải có giấy xác nhận của Công an về tất cả các hồ sơ giấy tờ có liên hệ với số CMND cũ như trước và không còn tốn kém thời gian, chi phí công chứng, chứng thực giấy tờ như trước đây do thẻ có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công và tư nhân. Thẻ CCCD gắn chíp có in mã QR ở mặt trước thẻ, chứa một số thông tin cần thiết của công dân nên khi cần khai báo thông tin, công dân chỉ cần quét mã QR bằng điện thoại di động thay vì phải nhập tay. Thẻ CCCD có gắn chíp điện tử có thể tích hợp nhiều loại giấy tờ khác nhau như: giấy phép lái xe; thẻ bảo hiểm y tế; sổ BHXH; sổ hộ khẩu; tạm trú tạm vắng… từng bước thay thế cho sổ hổ khẩu, số tạm trú. Thay vì việc phải làm và mang theo rất nhiều các loại giấy tờ khác nhau thì người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip để thực hiện các giao dịch.
Một tiện ích hết sức quan trọng khác là trên thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử được in song ngữ, gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh. Nhờ các thông tin cá nhân được in tiếng Anh mà công dân khi đi lưu trú tại nước ngoài, du lịch hay ký các hợp đồng quốc tế sẽ rất thuận lợi.
Tài khoản định danh điện tử và lợi ích khi sử dụng...
Tài khoản định danh điện tử có thể được hiểu là “ví giấy tờ điện tử ” và là phương thức quản lý thông tin CCCD cùng toàn bộ giấy tờ tùy thân trên môi trường mạng. Mục đích nhằm thực hiện các dịch vụ công mà không cần phải xác minh lại thông tin cá nhân của người đó.
Sử dụng tài khoản định danh điện tử người dân sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết. Công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với bên thứ 3 thông qua quét mã Qrcode hoặc giải pháp kỹ thuật khác khi hệ thống của bên thứ 3 đủ điều kiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử. Công dân có thể thay thế Căn cước công dân vật lý và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế,....Công dân có thể thực hiện các giao dịch tài chính bằng tài khoản định danh điện tử (thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền…). Tài khoản định danh điện tử bảo mật thông tin công dân, không thể giả mạo, chính xác và duy nhất do thông tin được xác thực từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc được Chính phủ giao cho Bộ Công an quản lý. Do vậy, khi công dân thực hiện các giao dịch điện tử trên môi trường điện tử sẽ thuận tiện và an toàn.
Hiện nay, trong một bộ phận nhân còn chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa cũng như quy trình các bước thực hiện thủ tục cấp CCCD gắn chíp và đăng ký tài khoản định danh điện tử. Vậy sự khác nhau giữa tài khoản định danh điện tử và thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip? Tại sao đã được cấp CCCD rồi mà vẫn cần đăng ký tài khoản định danh điện tử?
Khác với thẻ CCCD vật lý, tài khoản định danh điện tử sẽ được xác thực thông tin trên môi trường điện tử. Tài khoản này sẽ giúp công dân làm thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã được bảo đảm của Bộ Công an, nhất là dịch vụ công trực tuyến.
Hiện tại, nếu thực hiện các thủ tục hành chính, người dân sẽ cần xuất trình các giấy tờ theo quy định như giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế , đăng ký xe, thẻ CCCD … Nhưng nếu sử dụng tài khoản định danh điện tử, người dân có thể thay thế cho việc xuất trình các giấy tờ tùy thân này. Đáng chú ý, theo nghị định 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử có hiệu lực thi hành vào ngày 20/10/2022, Tài khoản định danh điện tử mức 2 có giá trị như thẻ Căn cước công dân gắn chíp (hoặc tương đương hộ chiếu với trường hợp là người nước ngoài) khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ Căn cước công dân.
Không chỉ thẻ CCCD, tài khoản định danh điện tử cũng tích hợp thêm nhiều thông tin, giấy tờ quan trọng của người dân khi thực hiện đăng ký. Ví dụ như: Đối với thông tin đăng ký xe, giấy phép lái xe, các thông tin hiển thị các hạng giấy phép lái xe, đăng ký xe trên VNeID được liên thông, xác thực với Cơ sở dữ liệu về giao thông vận tải. Vì vậy, người dân và cơ quan chức năng có thể sử dụng khi thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông đường bộ. Đối với thông tin thẻ BHYT, tài khoản định danh điện tử sẽ thay thế thẻ BHYT vật lý. Thông tin hiển thị của thẻ BHYT trên ứng dụng VNeID được xác thực và truy xuất từ Cơ sở dữ liệu BHYT Việt Nam. Do đó, khi khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm, công dân sẽ không cần không cần trình thẻ BHYT truyền thống. Đến nay, nhiều người dân đã có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT. Người dân có thể sử dụng tài khoản định danh để nhập thông tin về người phụ thuộc, người giám hộ; khai báo lưu trú mọi lúc mọi nơi, không cần phải liên hệ qua cơ quan công an…, đồng thời, có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập vào Cổng dịch vụ công Quốc gia phục vụ nộp hồ sơ trực tuyến để giải quyết các thủ tục hành chính mà không phải đến trụ sở tiếp dân của các cơ quan nhà nước.
Cách đăng ký tài khoản định danh điện tử: Tài khoản định danh điện tử có hai mức độ. Mức độ 1 bao gồm các thông tin, số định danh cá nhân, họ tên, ngày/tháng/năm sinh, giới tính và ảnh chân dung. Mức độ 2 bao gồm các thông tin như mức độ 1 và vân tay.
* Điều kiện để đăng ký sử dụng tài khoản định danh điện tử:
- Đối với cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng định danh điện tử.
- Đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
- Đối với người được giám hộ khác thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của người giám hộ.
- Các thông tin cần khai báo được thực hiện trên thiết bị điện tử khi cá nhân đăng ký tài khoản định danh điện tử gồm: Số định danh cá nhân, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (đối với người nước ngoài); Họ, tên đệm và tên; Ngày, tháng năm sinh; Giới tính; Quốc tịch (đối với người nước ngoài); Số điện thoại, email.
Bộ Công an lưu ý, nếu được cấp phê duyệt tài khoản định danh điện tử, người dân sẽ nhận được tin nhắn thông báo có nội dung: “Cuc Canh sat QLHC ve TTXH thong bao: Ho so dang ky tai khoan dinh danh dien tu cua cong dan da duoc phe duyet. De nghi truy cap ung dung VNeID hoac dia chi https://vneid.gov.vn de kich hoat tai khoan”. Khi đó, người dân sẽ kích hoạt theo hướng dẫn trong tin nhắn để thực hiện kích hoạt tài khoản định danh điện tử của mình.
Kể từ ngày 01/01/2023, công dân có thể thực hiện 07 phương thức sử dụng thông tin thay thế việc xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú bằng giấy để thực hiện các thủ tục hành chính và giao dịch dân sự bao gồm:
(1) Sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú.
(2) Sử dụng thiết bị đọc QRcode trên thẻ Căn cước công dân có gắn chíp.
(3) Sử dụng các thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân.
(4) Người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự bằng cách truy cập trang https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn
(5) Sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự (theo Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 08/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ).
(6) Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú (ban hành kèm theo Thông tư số 56/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an).
(7) Sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo quy định tại Thông tư số 59/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an).
Như vậy, để chuẩn bị các điều kiện thực hiện quy định của Luật Cư trú năm 2020 về việc Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022, Công an tỉnh đang triển khai thực hiện Kế hoạch số 30/KH-CAT-PC06 ngày 02/10/2022 về cao điểm “90 ngày, đêm” thực hiện 02 Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân và Đề án 06/CP, trong đó tổ chức 26 tổ máy thu nhận hồ sơ CCCD kết hợp đăng ký tích hợp các loại loại giấy tờ (như: thẻ BHYT, BHXH, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, mã số thuế) vào tài khoản định danh điện tử cho công dân tại Công an các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Do đó, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân trong thực hiện các thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự trong thời đại công nghệ số; góp phần xây dựng chính phủ điện tử phục vụ lợi ích, tạo điều kiện thuận lợi nhất đến người dân, doanh nghiệp, Công an tỉnh rất mong người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhất là người dân chưa có thẻ CCCD gắn chip hoặc người dân đã có thẻ CCCD gắn chíp điện tử nhưng chưa có tài khoản định danh điện tử quan tâm, sắp xếp thời gian đến các điểm thu nhận CCCD nơi đang cư trú để làm thủ tục cấp CCCD và đăng ký tích hợp các loại giấy tờ vào tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trong thời gian sớm nhất./.
Nguồn: https://congan.binhduong.gov.vn